“More is less” – Càng nhiều lại càng ít.

Trong tiếng Việt mình hay sử dụng câu “càng nhiều lại càng ít” với nghĩa bông đùa. Ví dụ mẹ mình cho tiền tiêu vặt và mẹ hỏi thế đã đủ chưa, mình nói, càng nhiều càng ít mẹ ơi ^^ Tuy nhiên, trong tiếng Anh, câu “more is less” lại mang sắc thái nghiêm trọng hơn, nói về tác hại của việc có cái gì đó quá nhiều. 

Trước đây, khi gia đình mình còn nghèo và sống trong một ngôi nhà nhỏ, các thành viên chính ra lại có nhiều thời gian bên nhau hơn. Bây giờ sống trong một ngôi nhà to có nhiều phòng, các thành viên dành rất nhiều thời gian trong phòng của mình và không có nhiều thời gian bên nhau như trước kia nữa. Đây là một ví dụ của “more is less”. More space, less together time – nhiều không gian hơn, ít thời gian bên nhau hơn.

Có lẽ làm giáo viên trong thời buổi hiện đại này là một trong những cách cảm nhận rõ ràng nhất hiện tượng “càng nhiều, càng ít” này. Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều tài nguyên, học viên càng lười. Có thể chúng ta nghĩ, ủa, cái này không hợp lý, càng nhiều cách học và tài nguyên học thì việc học phải trở nên dễ dàng hơn chứ? Not necessarily – không nhất thiết như vậy! Mình biết có những bạn học sinh không biết phải bắt đầu việc học tiếng Anh từ đâu vì có quá nhiều thông tin trên mạng khiến các bạn bị confused – bối rối. Có những bạn không bao giờ bắt đầu mặc dù đã tải cả đống sách trên mạng về. Chúng ta bị overwhelmed – choáng ngợp – bởi một lượng tài liệu đồ sộ. Có những bạn vì quá phụ thuộc vào những ứng dụng như Grammarly nên không bao giờ chịu học ngữ pháp một cách nghiêm túc, cứ viết xong bỏ vào đó cho ứng dụng tự sửa là xong. Kết quả là đến khi thi thì trượt. Có những bạn, nhất là những bạn học sinh nhỏ tuổi, cứ đến giờ học tiếng Anh là sử dụng Google dịch. Vì các bạn không có self-motivation – động lực tự thân – để học. Trong khi đó, có quá nhiều cách để các bạn cheat – ăn gian. Cô cứ giao bài là cheat. Tìm mọi cách cheat. Cheat một cách bản năng như hơi thở luôn ^^! Có những bạn quen phụ thuộc vào công nghệ để cheat trong việc học tiếng Anh từ bé, nên đến năm lớp 10-11-12 vẫn lơ ngơ như em bé lớp 3 trong việc học tiếng Anh. Và giáo viên cũng phải mất một thời gian mới phát hiện ra là mình bị học sinh “lừa”. Các bài bạn ấy làm và nộp đều có vẻ okay, ngữ pháp tốt từ vựng tốt, nhưng mà sao things don’t add up – mọi chuyện lại không hợp lý? Nói thì lơ ngơ, không hiểu chính bài mình viết, mình nộp. Turns out – hoá ra, là đây là phiên bản đã lớn của các “em bé Google dịch”. Có rất nhiều em bé Google dịch đang lớn và sẽ trở thành các thanh niên Google dịch và sẽ trả rất nhiều tiền cho những người dạy tiếng Anh như mình sau này để lấp những lỗ hổng tiếng Anh, nhưng dạy những bạn như vậy rất khó vì cách các bạn ấy dùng công nghệ để cheat nó ăn sâu vào con người rồi, phần nhiều khả năng là sẽ tiếp tục cố sống cố cheat. Những hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng và đau lòng cho nhiều bên liên quan. Vậy nên các bố mẹ hãy keep an eye on your kids – để mắt tới con mình – khi các bạn ấy dùng công nghệ để more là more chứ more không phải là less như thế nhé!!

Trang Bùi.

Leave a comment